Nếu bạn có kiến thức cơ bản về suối nước nóng (onsen) thì khi đi du lịch sẽ có nhiều cách hơn để tận hưởng chúng. Sau đây, Minh Việt sẽ giới thiệu 12 điều mà bạn nên biết để có thể tận hưởng trọn vẹn suối nước nóng tại Nhật Bản.
1. Suối nước nóng là gì? Nguồn nước là gì?
Theo Luật suối nước nóng, trong số các suối nước phun ra từ lòng đất, những suối nước nào đáp ứng được 1 trong 2 điều sau sẽ được công nhận là “suối nước nóng” (onsen):
- Có nhiệt độ từ 25°C trở lên
- Chứa lượng nhất định các chất cụ thể như lưu huỳnh, carbon dioxide,…
Nói cách khác, nếu suối nước “nóng” từ 25°C trở lên thì đó chắc chắn là “suối nước nóng” HOẶC nếu suối nước chứa ít nhất một loại chất cụ thể với lượng nhất định thì có thể gọi là “suối nước nóng” ngay cả khi nước đó không nóng. Ngoài ra, nơi suối nước nóng phun ra được gọi là “nguồn nước” (源泉 – gensen).
2. Có phải tỉnh Nagano là “vương quốc suối nước nóng”?
Tỉnh Nagano thuộc vùng Shinshu là một trong những “vương quốc suối nước nóng” hàng đầu Nhật Bản. Nagano đứng thứ 2 Nhật Bản với 215 khu suối nước nóng, thứ 6 Nhật Bản với 963 nguồn nước và thứ 5 Nhật Bản với lưu lượng phun 112.705 lít/phút. Chất lượng suối nước nóng cũng phong phú đa dạng khi có cả 11 loại chất lượng onsen tiêu biểu đang phun trào.
(Nguồn: Tình trạng sử dụng suối nước nóng năm 2017 của Bộ Môi trường Nhật Bản)
3. Chất lượng suối nước nóng là gì?
Tại Nhật Bản có 11 loại chất lượng suối nước nóng tiêu biểu với màu sắc, mùi, kết cấu, hương vị, hiệu quả… khác nhau, gồm:
- Suối thông thường
- Suối lưu huỳnh
- Suối clorua
- Suối bicacbonat
- Suối carbon dioxide
- Suối sulfat
- Suối chứa sắt
- Suối đồng-sắt
- Suối tính axit
- Suối chứa nhôm
- Suối radium (tính phóng xạ)
4. Suối nước nóng có tác dụng gì?
3 tác dụng chính của onsen là:
① Tác dụng hóa học: thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe bằng cách hấp thụ hoặc thẩm thấu các thành phần suối nước nóng qua da
② Tác dụng tâm lý: giúp giải tỏa căng thẳng, tác động tích cực đến tinh thần và thể chất vì môi trường và không khí tự nhiên của suối nước nóng thường cách xa cuộc sống hàng ngày
③ Tác dụng vật lí: nhiệt độ và áp suất nước của suối nước nóng kích hoạt quá trình trao đổi chất và phục hồi sau mệt mỏi
5. Chống chỉ định và chỉ định cho suối nước nóng
Cũng giống như y học, có những bệnh thích hợp tắm suối nước nóng và những bệnh không thích hợp. “Chỉ định” đề cập đến các bệnh và triệu chứng có thể được điều trị bằng suối nước nóng, điều này chủ yếu áp dụng cho các bệnh và tình trạng mãn tính. Mặt khác, các bệnh và triệu chứng không nên điều trị bằng suối nước nóng được gọi là “chống chỉ định”. Điều này bao gồm các bệnh viêm cấp tính và bệnh truyền nhiễm cấp tính như viêm amiđan, viêm phổi, cúm, kiết lỵ và sốt phát ban. Hầu hết các bệnh và tình trạng cần dùng kháng sinh được coi là không phù hợp để điều trị bằng onsen. Các chống chỉ định khác bao gồm ung thư, sarcoma, tiểu đường nặng, bệnh bạch cầu, thai kì ở giai đoạn đầu và cuối…
Trong mọi trường hợp, không nên tự chẩn đoán mà cần nhận được sự hướng dẫn của bác sĩ khi thực hiện phục hồi sức khỏe bằng suối nước nóng. Đặc biệt, nếu có thể thì nên tham khảo ý kiến của người có kiến thức chuyên môn về suối nước nóng như các bác sĩ trị liệu bằng liệu pháp suối nước nóng.
6. Suối nước nóng phun như thế nào?
Có 3 loại suối nước nóng
① Phun tự nhiên: nước phun ra bằng lực tự nhiên
② Phun khai quật: nước phun ra tự nhiên từ khu vực đào
③ Phun bơm: sử dụng máy bơm để lấy nước sau khi đào
Các suối nước nóng cũ thường là loại ①, suối nước nóng mới được khai quật gần đây thường là loại ② và hơn 70% suối nước nóng được sử dụng ở Nhật Bản ngày nay là loại ③.
7. Nước nóng đến bồn tắm như thế nào?
Trong tiếng Nhật, việc dẫn suối nước nóng từ nguồn vào bồn tắm được gọi là 引湯 (intou). Tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở suối nước nóng mà có 3 phương pháp là:
- Dẫn nước nóng trực tiếp từ nguồn nước
- Dẫn nước nóng từ thiết bị chứa nước nóng chung
- Vận chuyển bằng xe bồn hoặc thùng nhựa
8. Chảy tự do và chảy tuần hoàn là gì?
Chảy tự do và chảy tuần hoàn là 2 phương pháp cấp nước nóng cho bồn tắm. Trong chảy tự do (かけ流し – kakenagashi), nước nóng mới liên tục được cấp vào bồn tắm và nước nóng tràn ra sẽ bị cuốn trôi. Trong chảy tuần hoàn (循環式 – junkanshiki), nước nóng trong bồn tắm được khử trùng, lọc và làm nóng trước khi được tái sử dụng nhiều lần. Để tận hưởng suối nước nóng trong lành nhất thì nên chọn cơ sở suối nước nóng sử dụng phương pháp chảy tự do.
9. Nên làm gì nếu nhiệt độ của suối nước nóng quá thấp hoặc quá cao?
Nếu nhiệt độ của suối nước nóng quá thấp không thích hợp để tắm thì cần bổ sung nhiệt nhân tạo, điều này được gọi là 加温 (kaon). Một số cơ sở suối nước nóng chỉ thêm nhiệt khi nhiệt độ thấp. Ngược lại, khi quá nóng để tắm, nước máy hoặc nước ngầm sẽ được thêm vào suối nước nóng để làm mát. Kể từ thời Edo, nước từ sông và giếng đã được thêm vào để pha loãng và làm mát các suối nước nóng có nồng độ và nhiệt độ cao nhằm đạt đến trạng thái thích hợp để tắm. Ngày nay, để tận dụng hiệu quả nguồn suối nước nóng quý giá, nhiều cơ sở đang tái sử dụng bằng cách đun nóng, thêm nước và tuần hoàn.
10. Các suối nước nóng được quản lý vệ sinh như thế nào?
Trong một thời gian, để đối phó với một loạt sự cố lây nhiễm Legionella trong nhà tắm công cộng, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã đặt ra các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh cho nhà tắm công cộng và nhà trọ như tần suất và phương pháp thay nước nóng, làm sạch và khử trùng. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm vi khuẩn Legionella được công khai ở hầu hết các cơ sở cũng là một điểm có thể dùng để kiểm tra tình trạng vệ sinh của bồn tắm.
11. Có thể học được gì từ bảng phân tích suối nước nóng?
Bảng phân tích suối nước nóng hiển thị tên nguồn, chất lượng nước, bảng thành phần… Kết quả phân tích đối với các thành phần của suối nước nóng không nhất thiết phải giống nhau tùy thuộc vào nơi chúng được thu thập, chẳng hạn như đầu ra của nguồn, bên trong bồn tắm hoặc tại vòi. Do đó, nếu muốn bạn nên thực hiện phân tích nước tại địa điểm gần nơi bạn thực sự tắm như bên trong bồn tắm hoặc tại vòi. Ngoài ra, thành phần của suối nước nóng có thể thay đổi theo thời gian nên tỉnh Nagano khuyến nghị thực hiện phân tích 5 năm/lần.
12. Văn hoá tắm bồn là gì?
Văn hoá tắm bồn cơ bản bao gồm việc tắm rửa sạch sẽ cơ thể trước khi bước vào bồn tắm, không nhảy vào bồn tắm, không bỏ khăn tắm vào bồn tắm và không vào phòng thay đồ khi người còn ướt. Một số cơ sở có quy định riêng như cấm sử dụng xà phòng trong phòng tắm lộ thiên. Để sử dụng suối nước nóng một cách thoải mái, mỗi người nên tuân thủ cách cư xử lịch sự và quan tâm đến những người xung quanh.