Ngành công nghiệp đồng hồ đeo tay tiếp tục tăng trưởng chưa từng có, mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà bán lẻ, nhưng cũng khiến họ có nguy cơ trở thành con mồi của những tên trộm đang tìm kiếm cơ hội để đánh cắp các đồng hồ có giá trị lớn.
Chủ cửa hàng cho biết: “Trước kia, tại đây bày bán tất cả các loại đồng hồ. Sau đó, 3 năm trước có 1 vụ cướp xảy ra. Hai người đàn ông đã đột nhập vào đêm khuya và lấy đi những món đồ trị giá khoảng 20 triệu yên (khoảng 3,2 tỉ đồng). Mặc dù tôi đã có hợp đồng với một công ty an ninh và lắp đặt cửa 2 lớp nhưng cũng chẳng ích gì”.
Hai người đàn ông này đã bị bắt nhưng kẻ ra lệnh thực hiện vụ cướp vẫn chưa được tìm ra.
Một cách tình cờ, cửa hàng này đã có thể lấy lại được một số đồng hồ bị đánh cắp của mình. Vài tháng sau vụ cướp, một phiên chợ của những người bán đồng hồ đã được tổ chức ở Tokyo. Hầu hết những chiếc đồng hồ bị đánh cắp từ cửa hàng của anh ta đều nằm trong số những chiếc đồng hồ được rao bán. Những chiếc đồng hồ được cho là đã bị bán trước khi 2 người đàn ông bị bắt và sau đó bị bán lại trên “chợ đen”.
Thông thường khi đồng hồ bị đánh cắp, số sê-ri của chúng sẽ được đưa cho cảnh sát và bị đưa vào danh sách cấm bán tại hiệu cầm đồ và nhà bán lẻ. Trong trường hợp này, chủ sở hữu đã được bên đưa ra đấu giá trả lại hàng hóa của mình nhưng cuối cùng anh ta vẫn phải trả “một khoản hậu tạ”.
Những thứ như “hậu tạ” là không cần thiết khi ai đó được trả lại những thứ đã bị đánh cắp. Tuy nhiên, từ quan điểm của người bán, họ chỉ đơn thuần mua nó từ bên thứ 3. Cuối cùng chủ cửa hàng đã phải trả đúng số tiền mà người bán đã trả cho nó. Cảnh sát cũng nói với ông ấy rằng việc trả tiền cho người bán là cần thiết. Điều này giống như một phong tục.
Người đàn ông này bắt đầu bán đồng hồ đã qua sử dụng khi mới 20 tuổi. Lúc đầu, chủ yếu là những chiếc đồng hồ rẻ tiền, nhưng theo thời gian, ông bắt đầu kinh doanh những mặt hàng giá cao từ các thương hiệu như Rolex và Omega để kiếm lời ở Tokyo.
Khoảng 5 năm trước, ngành công nghiệp đồng hồ bắt đầu thay đổi mạnh mẽ.
Chủ cửa hàng kể lại: “Người nước ngoài bắt đầu đến cửa hàng của tôi ngày càng nhiều, mặc dù nó nằm khuất trong một con hẻm. Tôi phát hiện ra những người này không kinh doanh. Thay vào đó, họ là những người bình thường, giàu có từ nước ngoài, đến Nhật Bản để lùng sục các cửa hàng và mua rất nhiều thứ. Tôi cũng đã nhận thấy rằng đồng hồ hiện đang được bán ở Nhật Bản với giá thấp hơn ở nước ngoài. Tác động của đồng yên rẻ tạo ra những thay đổi đến nhanh hơn đối với ngành đồng hồ”.
Những chiếc đồng hồ ông cất giữ trong kho lần lượt được bán cho người nước ngoài, thậm chí có một người Mỹ đã mua hàng chục chiếc. Khi doanh số bán hàng tăng lên và đồng yên mất giá nhanh chóng, lợi nhuận đã đạt đến một mức mới. Cửa hàng phục vụ càng ngày càng nhiều khách hàng nước ngoài hơn.
Ông nói tiếp: “Hai mươi năm trước, tôi được đề nghị mua một chiếc Rolex Daytona trị giá 1 triệu yên (khoảng 163 triệu đồng) khi ở nước ngoài, nhưng tôi đã từ chối. Tôi làm vậy vì không có nhiều tiền. Giờ đây, chiếc Daytona đó có giá 12 triệu yên (gần 2 tỉ đồng).
Cướp giật không có gì mới nhưng thời gian gần đây, các cửa hàng đồng hồ cũ bị cướp ngay cả ban ngày. Cách đây 10 năm, đó là điều không tưởng”.
Sau khi vụ cướp xảy ra, chủ cửa hàng đã dùng biện pháp cực đoan, thu hồi các món đồ trưng bày và cất chúng trong két an toàn để giao dịch với khách hàng. “Đây là lý do khiến tôi tập trung vào việc bán hàng trực tuyến. Một số khách hàng không thấy thoải mái về việc này, nhưng điều đó không thể tránh khỏi trong thời đại ngày nay. Khủng hoảng chính là cơ hội”.