Hotline: 0352 666 862
Email: info@mvgs.vn

Tìm kiếm

Chia sẻ kinh nghiệm mua sắm tại Nhật Bản

Đồ thời trang

– Quần áo: Nên mua vào những thời điểm giảm giá mạnh. Đặc biệt là các thời điểm giao mùa hè thu (tháng 7~9) và đông xuân (1~2). Những thời điểm này các loại quần áo mốt mới của mùa hè và mùa đông đã được bán ra với số lượng lớn, và do là thời điểm giao mùa nên nhu cầu sẽ giảm đi đáng kể. Các cửa hàng muốn đẩy hàng cũ đi để nhập hàng mới về nên sẽ giảm giá rất nhiều tuỳ theo sản phẩm. Có những sản phẩm giảm giá đến 50% thậm chí lên tới 70~85% so với giá ban đầu.

– Giày dép và đồ thời trang khác: Nên mua ở những trung tâm thương mại hoặc siêu thị lớn. Trong đó có nhiều gian hàng, sẽ có nhiều giảm giá. Đặc biệt là các sản phẩm có doanh số bán hàng thấp sẽ càng được giảm giá sâu.

– Vào khoảng cuối tháng 11 cũng sẽ có tuần giảm giá (giảm giá cuối năm) hay chúng ta hay gọi là Black Friday.

Đồ ăn, thực phẩm

– Nên đi mua đồ ăn hàng ngày vào chiều tối hoặc buổi tối. Khi đó các sản phẩm như thịt, cá, rau…được giảm giá rất nhiều 10~50%. Lý do là vì các sản phẩm này chỉ được bán trong ngày mà không được để lại vào ngày hôm sau. Về nguyên tắc, càng gần đến giờ đóng cửa siêu thị thì sản phẩm càng được giảm giá nhiều. Tuy nhiên, để đỡ mất công thì phía siêu thị sẽ gắn biển giảm giá cho từng sản phẩm vào 1 khung giờ nhất định, cùng lắm là thay giá đến 2 lần. Tuỳ từng siêu thị sẽ có khung giờ giảm giá khác nhau nên các bạn hãy chú ý về khung giờ giảm giá ở các siêu thị mà bạn hay đến mua sắm nhé.

– Các bạn có thể mua thịt, cá đông lạnh sẽ có giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm tươi bình thường.

– Nếu ở gần khu vực các bạn sinh sống có siêu thị nhỏ bán nông sản thì nên mua rau củ quả ở đó, vừa rẻ lại vừa tươi ngon. Các sản phẩm hầu hết được nông dân quanh đó trồng và đưa vào siêu thị bán trong ngày. Và đôi khi, có những loại rau mà trong siêu thị bình thường không có bán.

– Nhiều siêu thị có khuyến mãi vào 1 ngày nhất định trong tuần. Mua vào ngày này sẽ được giảm giá hoặc tích điểm nhiều hơn ngày bình thường.

– Hãy để ý các thông báo được gắn trên kệ của các sản phẩm. Ví dụ: Ở kệ trứng có dòng chữ “Nếu mua sắm từ 1000 yên trở lên thì sẽ được mua 1 vỉ trứng với giá 100 yên (tức là giảm khoảng 50%) so với giá thông thường”.

– Làm thẻ tích điểmポイントカード (Point Card): Cũng tương tự như ở Việt Nam. Nếu bạn thường xuyên mua sắm ở 1 siêu thị nào đó thì nên làm thẻ tích điểm. Mỗi lần thanh toán bạn sẽ được tích một số điểm tùy theo số tiền thanh toán. Số điểm này có thể quy đổi thành tiền để trừ vào hoá đơn thanh toán khi bạn yêu cầu.

Cửa hàng đồ cũ

Để tiết kiệm khi mua sắm có 1 lựa chọn rất thú vị đó là mua đồ cũ. Trong tiếng Nhật gọi chung các cửa hàng bán đồ cũ là リサイクルショップ (recycle shop). Những cửa hàng đồ cũ rất phổ biến ở Nhật, tại đây bán rất nhiều đồ đạc từ đồ điện tử, thời trang, đồ gia dụng, nội thất, đồ chơi… Giá cả thì mình không  nói chắc các bạn cũng phần nào đoán được là rất rẻ so với sản phẩm mới.

Ở cửa hàng đồ cũ cũng nhiều khi có bán sản phẩm mới, sản phẩm tương đương sản phẩm mới hoặc sản phẩm chưa qua sử dụng. Đó là những sản phẩm mà người tiêu dùng mua về, sau đó không thích hoặc vì một lý do gì đó mà không sử dụng đến và mang đến đây thanh lý. Khi mua sản phẩm như vậy, bạn thậm chí còn được cửa hàng bảo hành trong 1 thời gian nhất định.

Mua vé tàu xe, phiếu mua hàng… rẻ hơn giá vé niêm yết

Ở gần khu vực các nhà ga thường có 1 cửa hàng rất đặc biệt đó là cửa hàng bán vé チケットショップ(Ticket Shop). Ở đây bạn có thể mua được vé tàu, vé xe bus liên tỉnh, vé xem phim, phiếu mua hàng… với giá rẻ hơn giá niêm yết khoảng 10%. Mức giảm giá tùy theo loại vé, thời điểm bán, hạn sử dụng của vé. Hạn sử dụng của vé càng ngắn thì giá giảm càng nhiều.

Những cửa hàng bán vé này không được gọi là chợ đen, buôn bán theo kiểu buôn đi bán lại. Mà đơn giản là mua lại của những người không có nhu cầu sử dụng nữa rồi bán lại cho những người cần.

Nên mua sắm ở siêu thị hơn so với cửa hàng tiện lợi (Combini)

Giá bán ở trong siêu thị sẽ rẻ hơn so với giá bán ở trong cửa hàng tiện lợi với cùng 1 sản phẩm. Bạn chỉ nên mua hàng trong siêu thị tiện lợi khi thật cần thiết. Như đã nói ở trên, hàng hoá được bán trong siêu thị không chỉ rẻ hơn mà còn có nhiều khuyến mãi, giảm giá.

Mua hàng Online

Xu hướng mua hàng online hiện đang rất thịnh hành, đặc biệt với thời đại Internet phát triển mạnh như hiện nay. Bằng việc sử dụng điện thoại thông minh hoặc laptop, máy tính bảng chúng ta có thể đặt hàng ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào. Đặc biệt có thể so sánh được giá bán giữa các gian hàng với nhau, sản phẩm nào đang giảm giá, đang khuyến mại. Từ đó có thể lựa chọn được sản phẩm với giá cả hợp lý.

Ở Nhật có rất nhiều trang thương mại điện tử lớn và uy tín như Amazon, Rakuten… Trên đây có bán cả sản phẩm mới, sản phẩm đã qua sử dụng. Tất cả các sản phẩm được niêm yết giá rõ ràng, thông tin sản phẩm được mô tả chi tiết.

Lưu ý: Các bạn TTS đi Nhật làm việc không nên mua hàng hoá thông qua Facebook, Twitter. Vì có thể những sản phẩm bạn mua là những sản phẩm ăn cắp, những sản phẩm bị cấm. Nếu mua bạn có thể sẽ vi phạm pháp luật.

Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn thực tập sinh đi XKLĐ Nhật Bản mua sắm tiết kiệm hơn. Hãy đón đọc các bài tiếp theo của Minh Việt để biết thêm nhiều thông tin hữu ích hơn nhé !