Hotline: 0352 666 862
Email: info@mvgs.vn

Tìm kiếm

Khi bị ốm? Hướng dẫn khi khám bệnh tại các bệnh viện ở Nhật

Khi các bạn du học hoặc làm việc tại Nhật, chắc hẳn sẽ có lúc cần phải đến bệnh viện hay phòng khám. Những điểm cần lưu ý khi khám sức khoẻ tại bệnh viện ở Nhật là gì? Nếu không biết tiếng Nhật thì nên làm thế nào? Nếu không có thẻ bảo hiểm sức khoẻ? Khi khám sức khoẻ tại Nhật sẽ hết bao nhiêu tiền?

Trong bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được câu hỏi của các bạn về y tế, sức khoẻ tại Nhật.

Những điểm cần lưu ý khi khám sức khoẻ ở bệnh viện Nhật

Khi khám sức khoẻ lần đầu, thông thường các bạn sẽ phải trả lời bảng câu hỏi của bệnh viện về tiểu sử bệnh trước đây. Đó là các câu hỏi như “bạn có đang sử dụng thuốc nào không?”, “bạn có bị dị ứng với thuốc nào không?”, “bạn có đang mang thai không?”, “bạn có uống rượu, hút thuốc không?” v.v.

Nếu các bạn hiện đang uống thuốc nào đó, hay dị ứng với loại thuốc nào đó thì hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để bác sĩ nắm bắt được tình hình.

Có thể sử dụng được thẻ tín dụng không?

Thông thường, ở các bệnh viện hay phòng khám nhỏ ở các thành phố, nhiều nơi chỉ thanh toán bằng tiền mặt, chỉ có ở 1 số bệnh viện lớn mới có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nếu các bạn lưu trú trong thời gian ngắn thì nhiều trường hợp sẽ được hoàn trả lại 1 phần viện phí bằng bảo hiểm y tế khi về nước. Vì vậy các bạn nên tìm hiểu các điều khoản cần lưu ý với các công ty bảo hiểm trước khi đi du lịch.

Khi khám sức khoẻ nên làm gì?

Các bác sĩ, y tá thường rất thân thiện, nếu biết người nước ngoài, họ sẽ giải thích cho các bạn một cách chậm rãi và hướng dẫn cho các bạn các thông tin cần thiết có thể tham khảo.

Tuỳ từng phòng khám khác nhau có thể sẽ khác nhau nhưng nhìn chung các bạn có thể an tâm. Nếu các bạn thấy lo lắng về tình trạng bệnh của mình hay không hiểu rõ những gì bác sĩ nói khi khám sức khoẻ, các bạn có thể nhờ bác sĩ viết tình trạng bệnh hoặc các từ khoá ra giấy và tìm hiểu lại khi về nhà. Tuỳ từng bệnh viện mà có nơi còn có thể trao đổi bằng ngôn ngữ khác ví dụ như tiếng Anh.

Cách chọn bệnh viện

Nếu các bạn lo lắng về vấn đề ngôn ngữ, trước tiên hãy thử tìm kiếm bệnh viện đối ứng đa ngôn ngữ qua mạng internet. Nếu các bạn quan tâm đến nhận xét, đánh giá về bệnh viện thì cũng có thể tìm hiểu trước khi thăm khám.

Trang đánh giá về các bệnh viện trong nước (chỉ có tiếng Nhật): https://caloo.jp/

Cơ sở y tế có thể đối ứng tiếng nước ngoài

Các bạn có thể tìm kiếm cơ sở y tế đối ứng tiếng nước ngoài trên toàn quốc qua trang JNTO dưới đây.
https://www.jnto.go.jp/emergency/jpn/mi_guide.html

Ngoài ra, các bạn cũng có thể tìm kiếm bệnh viện, phòng khám có thể đối ứng với các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh trong trang dưới đây (chỉ có tiếng Nhật).
https://byoinnavi.jp/foreign_language_speakers

Đường dẫn đến các cơ sở y tế có thể đối ứng đa ngôn ngữ ở các thành phố chính của Nhật được tổng hợp trong bảng dưới đây.

Khu vựcGhi chú
TokyoCó thể tìm kiếm bệnh viện có khả năng đối ứng với tiếng nước ngoài
OsakaKhi tìm kiếm, mức độ tiếng nước ngoài có thể đối ứng được hiển thị theo 3 cấp độ.
KyotoCác bệnh viện có phiên dịch viên y tế tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng hàn. Phiên dịch không mất phí nhưng có bệnh viện cần phải hẹn trước ít nhất 5 ngày. Trường hợp khẩn cấp ví dụ như ngày nghỉ, các bạn có thể liên hệ bệnh viện dưới đây.
Trung tâm cấp cứu thành phố Kyoto: Cạnh Higashi Rotary Minami, ga JR Nijo, số 6 Nishinokyo Higashi Toganoo, quận Nakagyo (Tầng 1 Hội bác sỹ Kyoto, số điện thoại: 075-354-6021)
Kobe (tỉnh Hyogo)Tra cứu “tìm kiếm theo chức năng trị liệu” trong mẫu → Có thể tra cứu “các loại ngôn ngữ có thể đối ứng” để tìm kiếm
Nagoya Mức độ tiếng nước ngoài được hiển thị từ 1 đến 3 (1: có thể giao tiếp không gặp rào cản nào, 2: có thể đối ứng ở mức độ hội thoại hàng ngày, 3: chỉ có thể đối ứng theo sơ đồ hoặc từ đơn)
Kyushu Danh sách bệnh viện có thể đối ứng đa ngôn ngữ

Nếu đến bệnh viện mà không mang theo thẻ bảo hiểm y tế?

Nếu các bạn vừa chuyển việc (※) hay chưa có thẻ bảo hiểm y tế mà phải đến bệnh viện khi cơ thể không khoẻ, các bạn có thể gửi yêu cầu thanh toán lên tổ chức bảo hiểm hoặc trụ sở hành chính khu vực, các bạn sẽ được hoàn lại viện phí (có trường hợp sẽ không được hoàn trả lại toàn bộ viện phí). Sau khi khám bệnh tại bệnh viện, các bạn hãy giữ lại hoá đơn, bảng kê chi tiết nội dung khám bệnh.

Trình tự khám bệnh tại Nhật

Trình thẻ bảo hiểm y tế tại quầy lễ tân → Điền bảng câu hỏi khi khám bệnh lần đầu tiên → Nếu sốt sẽ đo nhiệt độ → Đợi đến lượt gọi vào khám bệnh → Khám bệnh (tuỳ tình trạng sức khoẻ mà có thể sẽ phải tiêm hoặc truyền thuốc) → Thanh toán → Mang đơn thuốc nhận tại quầy lễ tân đến hiệu thuốc gần nhất → Lấy thuốc và thanh toán

Tuỳ tình hình bệnh viện mà thời gian chờ sẽ khác nhau. Tác giả bài viết cũng từng sống ở thành phố không có nhiều bệnh viện, thời gian chờ có lúc đến 4 tiếng. Tuy nhiên ở các thành phố lớn như Tokyo, số bệnh viện khá nhiều vì vậy cho dù phải chờ lâu cũng chỉ đến 2 tiếng mà thôi.

Khám bệnh hết bao nhiêu?

Nếu các bạn có thẻ bảo hiểm thì chi phí khám bệnh thông thường vào khoảng 3 ~ 4,000 Yên. Nếu các bạn đến khám lại thì cũng có lúc không đến 1,000 Yên. Tiền thuốc khoảng 1 ~ 2,000 Yên. Tổng chi phí khám bệnh hết khoảng 5,000 Yên. Nếu các bạn không có thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ phải trả hoàn toàn, chi phí lúc đó sẽ tăng lên.

Tại Nhật, các bệnh viện và phòng khám sẽ tính số điểm tuỳ theo nội dung khám bệnh để tính chi phí khám bệnh. Sau khi khám bệnh, các bạn sẽ nhận hoá đơn và bảng kê chi tiết khám bệnh. Từ bảng kê chi tiết này, các bạn sẽ hiểu được các nội dung cụ thể như xét nghiệm, trị liệu, thuốc, v.v và chi phí tương ứng (số điểm).

Quy chuẩn về chi phí khám bệnh tại Nhật

Phương thức tính là:

Số điểm × 10 Yên × tỷ lệ tự chịu chi phí = Chi phí thăm khám

Tỷ lệ tự chịu chi phí sẽ thay đổi theo độ tuổi (tham khảo ở dưới), thông thường khoảng 30%. Ví dụ với những bạn 20 tuổi khi khám bệnh lần đầu, số điểm khi khám bệnh lần đầu là 288 điểm, vì vậy chi phí khám bệnh là 288 x 10 x 0.3 = 860 Yên (nếu dưới 10 Yên thì sẽ làm tròn số). Nếu có thêm thuốc thì tiền thuốc sẽ tính riêng tại hiệu thuốc.

Tỷ lệ tự chịu chi phí là gì?

Nếu các bạn có thẻ bảo hiểm y tế thì tỷ lệ tự chịu chi phí khám bệnh sẽ khác nhau tuỳ theo độ tuổi. Dưới 6 tuổi là 20%, học sinh tiểu học ~ dưới 70 tuổi là 30%, 70 trở lên đến 74 tuổi là 20%, 75 tuổi trở lên là 10% (những người có thu nhập ở 1 mức nhất định là 30%).

Bảng chi tiết thăm khám

Chi phí khám bệnh lần đầu: Chi phí khám bệnh lần đầu về cơ bản ở mọi nơi đều là 288 điểm. Nếu các bạn phải đến bệnh viện để điều trị hồi phục lâu dài, sau 1 tháng đến bệnh viện sẽ lại phát sinh chi phí khám bệnh lần đầu!

Chi phí tái khám bệnh: Ở các bệnh viện có quy mô nhỏ dưới 200 giường hay phòng khám thì chi phí tái khám bệnh là 73 điểm. Nếu khám bệnh vào khoảng thời gian đặc biệt thì số điểm sẽ được tính thêm.

Chi phí khám bệnh ngoại trú: Ở các bệnh viện lớn từ 200 giường trở lên sẽ tính cộng thêm 74 điểm cho “chi phí khám bệnh ngoại trú” thay cho chi phí tái khám bệnh.

Tiền thuốc: Bao gồm cả chi phí kê đơn thuốc như chỉ định loại thuốc, liều uống.

※: Điểm số ở trên về cơ bản tất cả mọi người đều giống nhau nhưng trẻ em dưới 6 tuổi, chủ nhật, ngày lễ, 29/12~3/1 hoặc ngoài giờ làm việc thì điểm số sẽ tăng thêm.

Sổ thuốc là gì?

Khi các bạn cầm đơn thuốc đến hiệu thuốc để lấy thuốc, thông thường các bạn sẽ được hỏi “bạn có sổ thuốc không?”. Đối với những người sống tại Nhật thì sổ thuốc cũng quan trọng. Các bạn đã được chỉ định loại thuốc nào sẽ được viết trong sổ này và có thể biết được trước đây đã từng dùng loại thuốc nào.

Khi lấy thuốc lần đầu tiên, các bạn sẽ nhận được “sổ thuốc” có in các hình vẽ trên trang bìa. Quyển sổ thuốc nhỏ này không chỉ xinh xắn mà còn có thể sử dụng cho nhiều mục đích vì vậy khi đến bệnh viện các bạn hãy mang theo sổ nhé!

Ưu điểm của sổ thuốc

1.Tránh kê đơn trùng nhau

Nếu các bạn đến khám ở nhiều bệnh viện thì có thể sẽ được cho cùng loại thuốc giống nhau. Mặc dù tên loại thuốc khác nhau nhưng cũng có thể thành phần hoặc tác dụng giống nhau. Nếu có sổ thuốc thì có thể tránh được việc cho cùng loại thuốc.

2.Có thể nắm được việc dị ứng của bệnh nhân

Tuỳ từng người mà có thể xảy ra việc dị ứng với 1 số thuốc nhất định. Nếu có sổ thuốc sẽ có thể dễ dàng nắm được xem bản thân có thể dị ứng với loại thuốc nào, thuốc nào thì có thể gây ra dị ứng.

3.Có thể suy đoán được lịch sử bệnh lý từ các đơn thuốc trước đây

Cho dù bệnh nhân không biết rõ về lịch sử bệnh lý trước đây thì cũng có thể suy đoán được từ sổ thuốc.

4.Ngăn nguy cơ lẫn lộn các loại thuốc

Khi uống nhiều loại thuốc thì có thể gây ra tác dụng phụ khi uống cùng các loại thuốc khác. Nếu các bạn được kê đơn thuốc bởi nhiều bác sỹ khác nhau và uống đồng thời thì rất có thể sẽ xảy ra nguy hiểm. Để tránh trường hợp đó thì sổ thuốc có vai trò rất quan trọng khi kê đơn thuốc.