Hotline: 0352 666 862
Email: info@mvgs.vn

Tìm kiếm

Lịch sử tồn tại của thẻ gỗ Ema – tấm bảng ghi điều ước nguyện

Ngựa từng là lễ vật cho các vị thần

Người Nhật coi ngựa là động vật linh thiêng vì chúng là “phương tiện di chuyển của các vị thần”. Từ quan niệm đó, xa xưa người ta từng dâng ngựa cho các đền thờ. Những ngôi đền lớn đều có chuồng ngựa, các vị thần được cho là cưỡi trên những con ngựa này khi họ di chuyển (chuồng ngựa vẫn còn tồn tại trong một số đền thờ ngày nay). Chỉ những người địa vị cao có điều kiện nuôi hoặc mua ngựa sống mới có thể thờ cúng chúng. Vì lý do này, mọi người bắt đầu lễ những con ngựa “Uma-gata” làm bằng đất sét, gỗ, rơm. Đồng thời cũng để đơn giản hóa, họ khắc hình ngựa lên trên tấm gỗ. Đây là nguồn gốc của thẻ gỗ Ema.

Tài liệu đầu tiên ghi lại về thẻ gỗ Ema là tập thơ Trung Quốc thời Heian “Honcho Monzui”. Trong bài viết năm 1012 (Kanko 9) có nhắc đến “Ema giấy ba màu.” Hơn nữa, có vẻ như đã có một phong tục cung hiến các thẻ gỗ Ema từ thế kỷ thứ 8. Năm 1972, một Ema từ thời Nara (710-794) đã được khai quật tại Iba thuộc thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka. Vào năm 2013, trong quá trình khai quật tàn tích Shikada ở thành phố Okayama, một tấm bảng mô tả một con ngựa, được cho là cùng thời kỳ, cũng đã được khai quật. Ema tìm được tại Iba dài khoảng 9 cm và rộng khoảng 7 cm, còn tại Shikata dài khoảng 23 cm và rộng 12 cm. Có thể nói nó là nguyên mẫu của Ema mà chúng ta thường thấy ngày nay.

Thời Muromachi, họa tiết trên thẻ Ema được vẽ đa dạng hơn

Theo “Mono to Ningen no Bunka Shishi 12 Ema” (Hiromi Iwai/Nhà xuất bản Đại học Hosei), ban đầu Ema là đồ vật chỉ dành riêng cho các đền thờ, nhưng vào đầu thời Muromachi, nó cũng bắt đầu lan sang các chùa. Các họa tiết được vẽ vào giữa thời Muromachi cũng rất đa dạng.

Ví dụ, thẻ Ema năm 1436 (Eikyo 8), được lưu truyền tại đền Hakusan ở quận Koga, tỉnh Shiga, mô tả 36 nhà thơ vĩ đại và viết những bài thơ tuyệt vời của các nhà thơ đó lên trên thẻ. “Yuraku Ema dành cho nữ Hanaguruma” được sản xuất vào năm 1459 (Nagaroku 3) được lưu truyền tại Đền Oujinushi ở thành phố Nanao, tỉnh Ishikawa thể hiện lời chúc dành cho vẻ đẹp của phụ nữ, và cầu mong sự bình an trong thời kỳ chiến sự.

Vào thời Chiến Quốc, trên thẻ Ema vẽ hình của Monju Bosatsu (Văn Thù Bồ Tát, đại diện cho trí tuệ) năm 1521, thẻ được phát hiện tại Đền Kofuku-ji ở Nara. Người ta cũng tìm thấy 1 số thẻ Ema vẽ hình ngài Benkei và ngài Ushiwakamaru năm 1552 tại Đền Itsukushima ở Hiroshima (lời thề chủ tớ và lời cầu nguyện chiến thắng). Như vậy, có thể thấy rằng, những biến thể tranh được vẽ lên trên thẻ Ema ngày càng đa dạng và diễn tả các câu chuyện lịch sử khác nhau.

Thời gian trôi qua, mong muốn của mọi người đa dạng hơn và được thể hiện trên thẻ Ema

Trong thời Minh Trị, thẻ Ema được bày bán quanh năm. Kích thước của các thẻ Ema cũng đa dạng hơn. Các địa điểm treo thẻ Ema được xây dựng tại các đền thờ và có những tấm biển lớn được treo phía trên lối vào. Đây được gọi là bảng treo thẻ Ema.
Đặc biệt, trong thời kỳ Azuchi-Momoyama (khoảng 1568-1600), khi có nhiều đồ trang sức lấp lánh, rất nhiều loại thẻ Ema lớn và cao cấp đã được sản xuất. Các thẻ này trở thành lễ vật tế thần của các samurai cấp cao.

Loại hình văn hóa Ema này phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Edo, khi những nghệ nhân chuyên vẽ tranh được gọi là ‘Ema-shi’ xuất hiện. Như một sự hiện diện không thể thiếu trong tín ngưỡng dân gian, nó càng được đông đảo quần chúng biết đến và yêu thích. Ema làm cho Hatsuuma bán chạy như tôm tươi, và mức độ nổi tiếng của chúng không hề giảm kể cả trong thời Minh Trị. Sự thay đổi xuất hiện vào giữa thời Minh Trị. Năm 1892 (Meiji 25), Yomiuri Shimbun viết rằng có đến 300 thẻ Ema của Đền Suitengu đã được bán chỉ trong 1 ngày, ngôi đền này được biết đến là nơi thờ vị thần sinh sản và là nơi cầu nguyện sinh con an toàn. Cũng có nhiều loại Ema được bán quanh năm.

Trong Chiến tranh Trung-Nhật, Chiến tranh Nga-Nhật, Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, thẻ Ema được tạo ra để mong muốn chiến thắng và may mắn trong chiến tranh. Sau chiến tranh, có tục mai mối để gặp được người xứng đôi vừa lứa, cầu tài lộc để mong có một cuộc sống ổn định. Hàng năm, số lượng các đền chùa bán thẻ Ema, đồng thời thay đổi màu sơn để phù hợp với cung hoàng đạo Trung Quốc trong chuyến viếng thăm năm mới ngày càng tăng. Vào những năm 1960, thế hệ trẻ đầu tiên bước vào cuộc chiến thi vào cấp 3 và đại học. Từ đó bùng nổ phong tục dâng Ema tại các ngôi đền linh thiêng để cầu nguyện cho các kỳ thi được suôn sẻ, và kể từ đó Ema đã trở thành một truyền thống của mùa thi.

Có lẽ, rất ít người dân Nhật Bản chưa từng viết điều ước lên trên thẻ Ema. Người Nhật có câu: “Khi bạn gặp khó khăn, hãy dựa vào các vị thần”, điều này thể hiện tín ngưỡng thần đạo đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ.