Ngày 6 tháng 6, Chính phủ Nhật Bản sẽ nhắm đến việc thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa Nhật Bản và các quốc gia khác, đồng thời thu hút nhiều tài năng từ nước ngoài hơn nữa. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng chỉ ra mảng trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn là những lĩnh vực quan trọng để phát triển.
Một kế hoạch hành động sửa đổi được công bố cùng ngày. Kế hoạch của Thủ tướng Fumio Kishida có mục tiêu là nhằm đảm bảo tăng trưởng và phân phối lại của cải. Điều này đã nêu bật sự tập trung mạnh mẽ hơn của ông vào việc phát triển nguồn nhân lực thông qua tăng lương và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động. Nó cũng nhằm thúc đẩy sự hấp dẫn của Nhật Bản như một điểm đến đầu tư và là phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu để đối phó với các rủi ro địa chính trị đang gia tăng.
Mặc dù Nhật Bản đã chấp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn trong những năm gần đây nhưng con số chỉ chiếm 1% trong số tất cả các chuyên gia và lao động có công việc đòi hỏi kỹ năng cao, thấp hơn nhiều so với 23% ở Anh và 16% ở Hoa Kỳ.
Thủ tướng Kishida đã thúc giục các công ty tăng lương để theo kịp lạm phát đang gia tăng. Kết quả của các cuộc đàm phán lương hàng năm vào mùa xuân này giữa ban quản lý và liên đoàn lao động là tốt nhất trong khoảng 3 thập kỷ. Năm nay, Chính phủ Nhật sẽ đặt mục tiêu nâng mức lương tối thiểu trung bình mỗi giờ lên con số 1.000 yên (khoảng 170 nghìn đồng) trên toàn quốc, tăng từ khoảng 960 yên vào năm 2022.
Khoảng cách tiền lương rất lớn giữa những người lao động có tay nghề cao ở Nhật Bản với các thành viên khác của Nhóm G7 và các quốc gia châu Á trong các lĩnh vực như quản lý, CNTT và tiếp thị, cũng như Nghiên cứu và phát triển (R&D).
Theo kế hoạch, các cơ quan liên quan sẽ xem xét thuế, quy định cùng các vấn đề khác để thu hút nhiều lao động có tay nghề cao hơn và tiến hành thực hiện các bước cần thiết. Ngoài ra, Chính phủ Nhật sẽ xem xét kéo dài thời hạn thị thực cấp cho những nhà khởi nghiệp tại Nhật Bản từ thời gian 1 năm như hiện tại. Các quan chức cho biết chính phủ có kế hoạch để nội các chính thức thông qua dự thảo kế hoạch sau khi tham khảo ý kiến của các đảng cầm quyền vào cuối tháng 6.
Khi dân số của đất nước được dự đoán sẽ giảm mạnh trong những thập kỷ tới, Nhật Bản phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết phải giải quyết những thách thức về nhân khẩu học cùng với việc vẫn đảm bảo tăng trưởng dài hạn.
Với việc sử dụng chatbot AI ChatGPT ngày càng tăng nhanh tạo ra cả cơ hội và mối quan tâm, kế hoạch nêu rõ rằng chính phủ sẽ giúp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển AI tổng quát ở Nhật Bản và thúc đẩy việc sử dụng AI nhiều hơn trong y học, giáo dục, tài chính, sản xuất và công việc hành chính. Tuy nhiên, điều này cũng cần có hệ thống luật pháp và hướng dẫn phù hợp để làm cho AI trở nên đáng tin cậy, hạn chế rủi ro đối với quyền riêng tư, bảo mật, thông tin sai lệch và vi phạm bản quyền.
An ninh kinh tế là một trụ cột quan trọng khác của kế hoạch hành động từ việc xem xét tình hình căng thẳng giữa Nga với Ukraine cũng như hậu đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những lỗ hổng. Chính phủ Nhật cho biết cần đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn, pin, sản xuất sinh học và trung tâm dữ liệu.
Dự thảo cho biết “Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ về thuế và ngân sách trên quy mô tương thích với phần còn lại của thế giới”. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho một “xã hội siêu già”, Nhật Bản sẽ khởi động một dự án quốc gia nhằm đẩy nhanh nghiên cứu khoa học về não để ngăn ngừa và điều trị các bệnh như Alzheimer.