Minh chứng cho thấy giới trẻ quan tâm đến việc mở rộng NISA là nhóm người trẻ chiếm phần đông trên tổng số 12.000 người tham dự Hội thảo quản trị tài sản EXPO lần thứ II năm 2023. Mặt khác, cũng do nhu cầu tìm hiểu về quản trị tài sản (bao gồm tiền gửi tiết kiệm, bất động sản, kim cương…) ngày càng tăng, nên sự kiện này được tổ chức đến tận 3 lần trong năm. Trong bài viết này, Minh Việt sẽ giúp bạn cập nhật những thông tin hữu ích về việc đầu tư thông qua hệ thống NISA.
NISA là gì?
NISA là hệ thống miễn thuế với bất kỳ khoản lợi nhuận nào phát sinh từ các sản phẩm tài chính được mua bằng một số tiền nhất định mỗi năm. Tên gọi NISA là sự kết hợp giữa từ “Nippon” mang ý nghĩa “Nhật Bản” và cụm từ “Individual Savings Account” mang ý nghĩa “tài khoản tích lũy cá nhân”, đồng thời cũng là mô hình mà Nhật Bản học hỏi từ Vương quốc Anh. Tài khoản NISA có 3 loại, bao gồm:
- General NISA và Tài khoản tiền gửi NISA dành cho người trưởng thành
- Junior NISA dành cho lứa tuổi thiếu niên
Cuộc chơi với 0% thuế
Thông thường, lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh hay đầu tư phải chịu mức thuế là 20,315%. Ví dụ, tiền lãi suất hay cổ tức của bạn là 1.000.000 yên, nhưng bạn chỉ nhận được 796.850 yên sau khi khấu trừ 203.150 yên. Ưu điểm lớn của NISA là miễn thuế và cho phép bạn hưởng trọn số tiền 1.000.000 yên.
Mặt khác, nếu ở lần 1 phần lãi suất chỉ được sinh ra từ số tiền bạn đã bỏ ra để tiết kiệm hay đầu tư, thì ở lần thứ hai, phần lãi suất sẽ được sinh ra từ tổng số tiền bao gồm tiền vốn và tiền lãi đầu tiên. Trong lĩnh vực tài chính, người ta gọi đó là lãi suất kép. Rồi đến lần thứ 3, thứ 4, tiền lãi sẽ ngày càng tăng. Về lâu dài, đó là một nguồn lợi lớn.
Hệ thống NISA được cải tiến vào năm 2024
Đến nay, những ràng buộc về thời hạn đầu tư đã bị xóa bỏ, công dân Nhật có thể kết hợp 2 loại tài khoản NISA với hạn mức đầu tư đã được tăng lên gấp 2 – 3 lần. Hạn mức đầu tư vào các quỹ đầu tư ủy thác hay quỹ tương hỗ đáp ứng tiêu chuẩn của Cơ quan Dịch vụ Tài chính đã được nâng lên 400.000 – 1.200.000 yên trong một năm. So với việc đầu tư riêng lẻ, việc đầu tư hàng loạt nhằm hướng đến mục tiêu đầu tư rộng lớn hơn có hạn mức đầu tư tăng trưởng 1.200.000 – 2.400.000 yên trong một năm. Như vậy, hạn mức đầu tư miễn thuế cao nhất là 3.600.000 yên mỗi năm.
Mặt khác, hạn mức đầu tư miễn thuế trọn đời dành cho mỗi công dân đã được cập nhật mới là 18.000.000 yên (trong đó, 12.000.000 yên là hạn mức đầu tư tăng trưởng). Vì vậy, 5 năm là khoảng thời gian nhanh nhất mà mỗi công dân có thể sử dụng hết hạn mức đầu tư miễn thuế trọn đời. Nhưng nếu các sản phẩm tài chính được bán ra thì mỗi công dân sẽ có nhiều thời gian hơn (chỉ tính theo sổ sách và chưa kể lợi nhuận từ việc tăng giá). Mỗi công dân có thể cân nhắc việc mua bán các sản phẩm tài chính tùy theo những nhu cầu trong cuộc sống, như là tiền mua nhà hay chi phí học hành của con cái.
Người sử dụng NISA cần làm gì trong nửa năm còn lại?
Người sử dụng NISA có thể dùng tài khoản hiện tại cho đến hết năm 2023 và có thể mở thêm một tài khoản miễn thuế trọn đời với số tiền tương đương. Bắt đầu từ năm sau, những tài khoản Junior NISA dưới danh nghĩa trẻ em mà hạn mức đầu tư miễn thuế cao nhất là 800.000 yên mỗi năm sẽ hết hiệu lực. Nếu gia đình bạn có 2 con nhỏ và một tài khoản General NISA thì bạn có thể mở rộng hạn mức lên đến 2.800.000 yên. Tất nhiên, đây chỉ là câu chuyện của những người dư dả về tiền bạc.
Thời gian đóng vai trò rất lớn trong việc đầu tư dài hạn. Nếu bạn có thời gian để lo lắng thì tốt hơn hết hãy đầu tư sớm. Có thể thấy sự cạnh tranh của các tổ chức tài chính trong việc thu hút khách hàng. Trong khi những chiến dịch thúc đẩy khách hàng mở tài khoản sớm vẫn chưa hạ nhiệt, các tổ chức tài chính còn tặng cho khách hàng những phần quà có giá trị lên đến hàng ngàn yên, cũng như tăng tỷ lệ hoàn điểm.
Tự động hóa hệ thống NISA mới
Bạn chỉ được chọn duy nhất một tổ chức tài chính để mở một tài khoản NISA. Bên cạnh đó, bạn cũng không thể mở riêng biệt 2 loại hạn mức NISA (đầu tư dự trữ hay đầu tư tăng trưởng). Hệ thống năm 2023 và năm 2024 có sự khác biệt lớn, nhưng tổ chức tài chính quản lý tài khoản NISA vẫn giữ nguyên như cũ. Với những ai đã có tài khoản NISA, tài khoản mới sẽ được cập nhật cùng với tổ chức tài chính hiện tại vào năm sau, mà không có bất kỳ thủ tục đặc biệt nào. Đó là lý do khiến các tổ chức tài chính đề xuất khách hàng mở tài khoản NISA mới từ bây giờ.
Tuy nhiên, dù thuận tiện, nhưng khách hàng vẫn có thể sẽ thay đổi tổ chức tài chính hiện tại. Ví dụ, nếu họ hứng thú với việc đầu tư riêng lẻ thì việc lựa chọn một trong số các công ty môi giới chứng khoán sẽ tốt hơn ngân hàng. Ngược lại, nếu họ cân nhắc việc gửi tiền tiết kiệm định kỳ thì còn có lựa chọn nào hợp lý hơn việc bắt đầu tham gia NISA ở một ngân hàng, nơi họ có tài khoản nhận chuyển khoản lương.
Ở một khía cạnh khác, một số người mở tài khoản dùng thử mà không suy nghĩ kỹ lưỡng. Trên thực tế, những tài khoản đó không hoạt động và số tiền đầu tư là bằng 0. Có gần phân nửa số tài khoản General NISA và một phần tư số tài khoản tiền gửi NISA thuộc nhóm này.
Sự thay đổi sẽ diễn ra nhưng cần có thời gian thực hiện các thủ tục?
Sự thay đổi trong các tổ chức tài chính là điều tất yếu. Tài sản có trong tài khoản NISA hiện tại vẫn còn giá trị cho đến ngày hết hạn. Nhưng số tài sản đó không thể được chuyển sang tài khoản mới nên bạn buộc phải bán chúng. Dù như thế nào thì bạn vẫn phải mất thời gian để liên lạc với cơ quan thuế vì nó liên quan đến thuế. Điều quan trọng là bạn phải tìm được tổ chức tài chính vững chắc cũng như sản phẩm tài chính mà mình có thể gắn bó trọn đời, thay vì lao vào các chiến dịch chớp nhoáng.