Hotline: 0352 666 862
Email: info@mvgs.vn

Tìm kiếm

Tiền lương ở Nhật đang tăng?

Tiền lương ở Nhật Bản đang tăng cao hơn so với mức tăng trong nhiều thập kỷ. Nhưng giá cả cũng tăng chóng mặt, khiến nhiều người cảm thấy họ phải tằn tiện hơn bao giờ hết.

Khảo sát tiền lương ở Nhật Bản

Trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,2% so với 1 năm trước đó, cao hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Đó là một tin tuyệt vời cho các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi tình trạng ảm đạm bằng cách dùng tín dụng siêu rẻ để kích cầu và đẩy giá cả lên cao hơn. Nhưng một cuộc khảo sát của chính phủ về các công ty có 5 nhân viên trở lên cho thấy tiền lương thực tế, có tính đến giá cả cao hơn, đã giảm 3% so với 1 năm trước đó vào tháng 4, đánh dấu tháng giảm thứ 13 liên tiếp.

Theo viện nghiên cứu Tokyo Shoko Research, trong khi tất cả các công ty lớn đã tăng lương trong năm nay, các thành viên liên đoàn lao động lớn đạt mức tăng 4%, cao nhất trong 30 năm thì 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ – sử dụng ⅔ lượng lao động lại không tăng lương.

Anh Sano Kyoko, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng bách hóa ở Tokyo, cho biết: “Lương của tôi không tăng chút nào”. Anh Sano cảm thấy hơi giật mình khi nhìn vào hoá đơn mua hàng của mình, giá các loại bánh quy, khoai tây chiên, bánh gạo và đồ uống yêu thích của anh đều tăng vọt và các dịch vụ giảm giá thông thường đã biến mất. Hóa đơn tiền điện cũng tiếp tục leo thang.

Lao động tại Nhật Bản kiếm được ít tiền hơn so với ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Nếu so sánh tiền lương trong vài năm qua cho thấy đường tiền lương của Nhật Bản đi thẳng từ trái sang phải. Ở các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ thì đường này leo dần lên cao hơn. Mức lương trung bình ở Nhật Bản bằng khoảng 3/4 mức trung bình của OECD là khoảng 51.000 USD. Mức lương theo giờ cho người lao động trong nhiều công việc dịch vụ ở Tokyo trung bình khoảng 1.300 yên một giờ, tăng so với mức 1.000 yên một giờ trước đó, nhưng vẫn thấp hơn nhiều quốc gia.

Vì vậy, theo dữ liệu của Viện nghiên cứu kinh tế cho thấy trong khi một nhân viên pha chế ở New York kiếm được khoảng 22.500 đô la một năm, một người ở Tokyo chỉ kiếm được 2,19 triệu yên (15.700 đô la).

Bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản

Về lý thuyết, một nền kinh tế phát triển được cho là sẽ dẫn đến giá cả và tiền lương cao hơn. Nhưng sức mua phải theo kịp để duy trì nhu cầu của người tiêu dùng. Lạm phát do giá dầu mỏ và các hàng hóa khác tăng cao, sẽ thúc đẩy chu kỳ tăng trưởng tích cực mà Nhật Bản đã cố gắng đạt được trong nhiều năm.

Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn thận trọng, giữ mức lãi suất cơ bản giúp xác định lãi suất cho các khoản vay thế chấp và cho vay mua ô tô ở mức âm 0,1%, mức lãi suất đã giữ nguyên trong thập kỷ qua.

Tiền lương đã giảm sút kể từ khi bong bóng tài chính của Nhật Bản vỡ vào những năm 1990 và nền kinh tế thì trì trệ. Ông Hayakawa Hideo, một thành viên cao cấp tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Tokyo, một tổ chức tư vấn độc lập, phát biểu rằng các nhà tuyển dụng đã kìm hãm việc tăng lương và đầu tư rủi ro nhưng phần lớn tránh được tình trạng sa thải hàng loạt.

Ông cho biết: “Cấu trúc cứng nhắc của môi trường làm việc ở Nhật Bản cũng có xu hướng làm giảm hiệu quả và năng suất, khiến thu nhập và lợi nhuận không được cải thiện. Nền kinh tế đang dần bắt đầu dịch chuyển, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết liệu mọi việc có suôn sẻ hay không để việc tăng lương có thể tiếp tục trong năm tới”.

Hướng đi của doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản

Một số công ty đã bắt đầu tăng lương, nhưng việc tăng lương cao cho nhân viên mới của Fast Retailing, công ty vận hành chuỗi quần áo Uniqlo, có được trong năm nay là tương đối hiếm. Họ tăng lương hàng tháng lên 300.000 yên/tháng từ 255.000 yên/tháng. Công ty cho biết họ hy vọng sẽ giữ chân những người lao động tài năng và thu hẹp khoảng cách tiền lương với nhân viên ở Hoa Kỳ và châu Âu.

Peichi Tung, giám đốc truyền thông doanh nghiệp toàn cầu của Fast Retailing cho biết: “Chúng tôi tin rằng mình phải chuyển đổi thành một công ty có năng suất cao, có thể cạnh tranh và giành chiến thắng trên toàn cầu.

Thủ tướng Kishida Fumio muốn mức lương tối thiểu tăng từ 961 yên lên 1.000 yên trong năm nay, một phần quan trọng trong chương trình “chủ nghĩa tư bản mới” của ông. Ông cũng ủng hộ việc giảm thuế cho các công ty tăng lương. Ông Kishida cho biết: “Việc tăng lương một cách có hệ thống là ưu tiên của chính phủ.”

Tiền lương sẽ tăng lên khi các công ty cạnh tranh để giành lấy nguồn lao động đang ngày càng thu hẹp ở một quốc gia mà lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng và dân số đang giảm. Dữ liệu gần đây nhất cho thấy cứ 100 người tìm việc thì có 128 việc làm. Nhưng thay vào đó, các công ty đã tìm cách tránh tăng chi phí bằng cách thuê phụ nữ, sinh viên, người về hưu hoặc người nước ngoài, thường là với các hợp đồng trả lương thấp hơn và không bao gồm các lợi ích giống như những lợi ích dành cho nhân viên bình thường.

Mặc dù hệ văn hoá “làm việc trọn đời” ở một công ty của Nhật Bản đã bắt đầu bị phá vỡ, người lao động vẫn không nhảy việc nhiều như ở phương Tây. Công việc ổn định và lòng trung thành được đánh giá cao hơn là chạy đua để được trả lương cao hơn hoặc thăng chức.

Hiện tại, lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mức được thấy ở châu Âu, Mỹ và các nơi khác trên thế giới và các công ty đã thận trọng về việc tăng giá. Khi Yaokin Corp. tăng giá một loại kẹo que phổ biến có tên Umaibo lên 12 yên từ 10 yên vào năm ngoái, đây là lần tăng giá đầu tiên sau 42 năm. Ở Tokyo, bạn vẫn có thể mua một bát ramen nóng hổi với giá khoảng 1.200 yên (8,5 đô la). Một chiếc Big Mac có giá 450 yên (3 đô la), so với khoảng 5 đô la Mỹ ở Mỹ, mặc dù giá cả khác nhau tùy theo tiểu bang. Đối với khách du lịch, tỷ giá hối đoái khoảng 140 yên sang đô la Mỹ có nghĩa là món hời. Nhưng các công ty nhập khẩu nguyên liệu thô và phải trả giá cao hơn cho điện và các nhu yếu phẩm khác đang bị siết chặt.

Tập đoàn thực phẩm Nissin đã tăng giá mì ly, do chi phí tăng cao đối với nguyên liệu lúa mì, dầu cọ, tôm, thịt, các thành phần khác, cũng như năng lượng. Người phát ngôn của Nissin, ông Tsurumaru Kazuki cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để đưa ra những sản phẩm tốt với giá rẻ. Nissin cũng đang tăng lương cho nhân viên”.

Khách sạn Kaike Grand Tensui, ở tỉnh Tottori phía Tây Nhật Bản cũng vậy. Chỉ một số ít du khách quay lại khách sạn sau đại dịch, trong khi chi phí nguyên liệu cho đồ ăn và giá điện tăng cao. Ông Tabuchi, tổng giám đốc của công ty phát biểu: “Suối nước nóng và các món ăn ngon của vùng như cá và cua tươi là những thứ tốt nhất mà chúng tôi có thể cung cấp. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch tăng lương cho nhân viên.”