Hotline: 0352 666 862
Email: info@mvgs.vn

Tìm kiếm

Vấn nạn lừa đảo chuyển đổi SIM ở Nhật Bản

Gần đây, tại Nhật Bản đã diễn ra một loạt vụ án “lừa đảo chuyển đổi SIM” dưới hình thức số điện thoại di động bị chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích. Nạn nhân đột nhiên nhận thấy rằng điện thoại của họ không kết nối được và khi liên hệ với nhà mạng, họ được thông báo rằng thẻ SIM của họ đã được cấp lại hoặc ai đó đã chuyển số sang nhà mạng khác, lúc đó họ mới nhận ra rằng những kẻ lừa đảo đã bòn rút số tiền lớn từ tài khoản ngân hàng của mình. Có một trường hợp chuyển tiền bất hợp pháp xảy ra chỉ khoảng 15 phút sau khi số điện thoại của nạn nhân bị chiếm đoạt.

Nạn nhân ở Kobe

Vào một buổi chiều tháng 7 năm 2022, Tanigawa Ryuji, 61 tuổi, chủ doanh nghiệp vận tải cảng ở Kobe nhận thấy rằng ông không thể gọi điện thoại được nữa. Ông ấy đến một cửa hàng điện thoại di động gần nơi làm việc của mình và nhờ họ kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra. Một người nào đó ở thành phố Nagaokakyo thuộc tỉnh Kyoto, cách xa nơi ông ở đã hủy hợp đồng và chuyển số của ông ấy sang một nhà mạng khác. Tanigawa có linh cảm không lành và đã kiểm tra tài khoản ngân hàng trực tuyến của mình. Sau đó, ông phát hiện khoảng 10 triệu yên (khoảng 1,6 tỉ đồng) đã được chuyển cho một người mà ông không hề quen biết. Theo điều tra của cảnh sát, người ta nghi ngờ rằng một tổ chức tội phạm đã chiếm đoạt số điện thoại di động của ông ấy và thực hiện hành vi ăn cắp tiền. Ông Tanigawa tự hỏi việc lấy số điện thoại của mình sẽ có ích lợi gì bởi ông thậm chí còn chưa nghe đến thuật ngữ “Lừa đảo chuyển đổi SIM” bao giờ.

Quy trình lừa đảo

Nhưng làm thế nào mà số điện thoại của ai đó có thể bị chiếm đoạt khi họ luôn mang điện thoại bên mình?

Đầu tiên, kẻ lừa đảo gửi tin nhắn văn bản đến điện thoại của nạn nhân, dẫn họ đến một trang web lừa đảo giả mạo để lấy cắp thông tin cá nhân của họ. Thông tin đó được sử dụng làm ID giả để xác nhận rằng người đó đã làm mất điện thoại, cho phép cấp thẻ SIM mới và hủy hợp đồng khi chuyển sang nhà mạng mới. Thẻ SIM bất hợp pháp sau đó được lắp vào điện thoại thông minh do nhóm tội phạm nắm giữ. Sau khi số điện thoại di động bị chiếm đoạt, kết nối di động của nạn nhân bị cắt. Tiếp theo, kẻ lừa đảo đăng nhập vào tài khoản ngân hàng trực tuyến của nạn nhân. Mật khẩu ngân hàng trực tuyến của người đó và các thông tin khác có thể đã bị lộ qua trang web lừa đảo. Các tổ chức tài chính đặt “mật khẩu dùng một lần” trong một thời gian giới hạn để ngăn chặn gian lận. Nhưng nếu mật khẩu dùng một lần được đặt để gửi qua tin nhắn văn bản, thì điện thoại trong tay của nhóm tội phạm sẽ nhận được mật khẩu đó.

15 phút để thực hiện lừa đảo

Một phụ nữ thất nghiệp ở tỉnh Tochigi bị Sở cảnh sát đô thị (MPD) bắt giữ vào tháng 5 vì nghi ngờ lừa đảo, tiền của nạn nhân đã bị chuyển bất hợp pháp chỉ trong 15 phút sau khi thẻ SIM của họ bị chuyển đổi. Người phụ nữ này bị nghi ngờ đã nhận thẻ SIM từ cửa hàng và chuyển tiền bất hợp pháp, đồng thời trò chuyện với một kẻ lừa đảo khác để đưa ra hướng dẫn thông qua ứng dụng liên lạc Telegram.

Có 25 người trở thành nạn nhân của các vụ chuyển tiền bất hợp pháp mà có vẻ như thủ phạm là cùng một phụ nữ với phạm vi trải rộng từ quận Hokkaido cực Bắc của Nhật Bản đến các vùng Kansai và Chugoku ở phía Tây Nhật Bản. Người phụ nữ được cho là đã ăn cắp được 12 triệu yên (khoảng 1,9 tỉ đồng) trong khoảng thời gian 3 tháng rưỡi. Cảnh sát nghi ngờ rằng người phụ nữ đảm nhận vai trò này sau khi nộp đơn xin vào làm một “yami baito” hay còn gọi là công việc bán thời gian mờ ám.

Anh Ushiro Daiji – nhân viên an ninh mạng tại công ty bảo mật Check Point Software Technologies có trụ sở tại phường Minato của Tokyo – cho biết đã có báo cáo về các vụ lừa đảo chuyển đổi SIM như vậy trên khắp thế giới kể từ khoảng năm 2016. Chúng dường như đã lan tràn ở Châu Phi và Đông Nam Á, nơi bảo mật trực tuyến lỏng lẻo. Tại Hoa Kỳ, chỉ riêng trong năm 2022 đã có 2.026 trường hợp, với tổng thiệt hại khoảng 72 triệu đô la và FBI đã kêu gọi mọi người phải thận trọng.

Tại Nhật Bản, những trường hợp như vậy dường như đã tăng lên từ khoảng năm 2022, sau khi tính năng “khóa SIM” (được các công ty điện thoại di động sử dụng để giới hạn thiết bị trong mạng của họ) đã bị cấm để cho phép sử dụng thẻ SIM trong mọi thiết bị di động.

Làm thế nào để tránh trở thành nạn nhân

Vậy mọi người có thể làm gì để tự bảo vệ mình khỏi những trò gian lận chuyển đổi SIM?

Vào tháng 7 năm 2022, Check Point Software Technologies đã công bố 3 biện pháp đối phó.

  1. Khi truy cập một trang web trên Internet, hãy kiểm tra URL và các thông tin khác và đảm bảo rằng đó là trang chính thức.
  2. Không mở các liên kết hoặc tệp đính kèm trong các email đáng ngờ. Theo Hội đồng chống lừa đảo Nhật Bản, số lượng báo cáo lừa đảo vào năm 2022 lên tới 968.832 – gấp 17 lần so với số lượng báo cáo vào năm 2019.
  3. Liên hệ ngay với cảnh sát hoặc công ty điện thoại di động nếu điện thoại di động của bạn đột nhiên ngừng kết nối.

Ngoài ra còn có các biện pháp ngăn chặn chuyển tiền bất hợp pháp. Một số ngân hàng cung cấp dịch vụ theo đó mật khẩu dùng một lần được gửi đến một ứng dụng hoặc thiết bị chuyên dụng thay vì qua tin nhắn văn bản trên điện thoại. Anh Ushiro chỉ ra, “Điều này bất tiện hơn tin nhắn văn bản, nhưng tính bảo mật cao hơn.”