Hotline: 0352 666 862
Email: info@mvgs.vn

Tìm kiếm

Vì sao đào Nhật Bản được yêu thích?

Giống như câu chuyện về “cậu bé quả đào Momotaro” – một cậu bé mạnh mẽ, dũng cảm và trung thành trong dân gian Nhật Bản, đào Nhật Bản cũng là một sản phẩm được đánh giá cao, thể hiện tất cả những phẩm chất tốt đẹp được gói gọn trong một quả thơm ngọt và mọng nước.

Quả đào Nhật Bản

Đào Nhật Bản là 桃 “momo” trong tiếng Nhật. Khi bạn cắn vào phần thịt màu hồng, trắng mọng nước của chúng, bạn sẽ nhận thấy hương vị đào nồng nàn và vị ngọt đặc biệt. Đào Nhật Bản cũng có xu hướng ít chua và to hơn một chút. Ở Nhật, đào trắng là loại phổ biến tuy nhiên không phải là duy nhất.

Tại sao đào Nhật Bản lại khác biệt như vậy?

Đào Nhật Bản được trồng trong điều kiện có kiểm soát, được bao phủ bởi các túi giấy nhỏ khi còn xanh để bảo vệ và kích thích chúng phát triển một cách vừa phải và tăng độ ngọt. Thu hoạch đào cũng là một quá trình phức tạp, quả được hái từ cây bằng tay, vì những quả đào phải được đặt cạnh nhau vì khi chúng bị chồng lên nhau có thể làm chúng bị dập. Điều này làm cho chúng khó vận chuyển nên đào khá đắt dù ngay cả ở Nhật Bản.

Trong dịp tặng quà mùa hè của người Nhật – Chugen, những quả đào này trở thành món quà quý giá để tặng cho những người thân yêu hoặc khách hàng quan trọng. Thường những quả đào được tặng cũng khá đắt đỏ, rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng ~ 2 triệu đồng/1 hộp. Nếu bạn từng được tặng đào, hãy tự hào khi biết rằng ai đó thực sự coi trọng bạn và muốn gây ấn tượng với bạn! Mùa đào ở Nhật Bản thường từ tháng 6 đến tháng 9, với các loại khác nhau sẽ chín vào các thời điểm khác nhau.

Các loại đào Nhật Bản

Đào Nhật Bản đã trải qua một chặng đường dài để đạt được vị ngọt và độ hấp dẫn như ngày nay. Khi lần đầu tiên được đưa vào Nhật Bản từ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trước, đào không phải là một loại trái cây ăn được vì chúng chua và cứng. Mặc dù mọi người đã sử dụng chúng theo cách tiếp cận của y học, tôn giáo và thậm chí là đồ trang trí, những cây đào được ngưỡng mộ hơn nhiều vì những bông hoa lớn, màu hồng rực rỡ thường nở vào tháng 3, vài tuần trước khi hoa anh đào nở.

Cuối cùng, một giống đào ngọt hơn đã được mang đến Nhật trong thời đại Mejii và thông qua việc trồng trọt và nhân giống cẩn thận, những quả đào mà chúng ta biết ngày nay đã ra đời với những giống mới xuất hiện. Đào trắng được biết đến nhiều nhất nhưng đào vàng cũng được trồng nhiều.

Đào trắng Okayama Shimizu

Okayama là một nơi tuyệt vời để bắt đầu nếu bạn muốn tìm hiểu về đào Nhật Bản. Loại hoa đại diện cho tỉnh là hoa đào và đây được cho là nơi diễn ra truyền thuyết về Momotaro (Cậu bé quả đào). Những khu vườn đầy cây đào trắng thậm chí còn là điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh, nơi bạn có thể đến và tự tay hái lấy. Nhiều giống đào được trồng ở Okayama nhưng nổi tiếng nhất là đào trắng Shimizu với thịt màu hồng nhạt, gần như trắng, mọng nước đến mức khi bạn cắn vào, một giọt mật có thể chảy ra. Những quả đào này thường vào mùa từ cuối tháng 7 cho đến giữa tháng 8.

Đào trắng Yamanashi – Hikawa Hakuho

Okayama có thể là tỉnh của đào nhưng tỉnh Yamanashi gần núi Phú Sĩ lại là nơi cho ra nhiều đào nhất ở Nhật Bản. Với lượng ánh sáng mặt trời dồi dào và lượng mưa thấp hơn so với các vùng khác của đất nước, Yamanashi có khí hậu lý tưởng để đào phát triển. Nhiều loại đào được trồng ở đó, nhưng nổi tiếng nhất là Hikawa Hakuho. Vỏ đào đỏ hơn một chút so với các giống đào trắng khác, thịt ngon ngọt, mềm và ít xơ. Khi bạn cắn vào một trong những quả đào này, nó sẽ làm hài lòng vị giác của bạn với vị ngọt sảng khoái.

Đào trắng Akatsuki Fukushima

Giống như tỉnh Yamanashi, tỉnh Fukushima ở phía Bắc Nhật Bản có khí hậu nắng ấm lý tưởng để trồng những “viên ngọc” mọng nước này. Trên thực tế, Fukushima là một trong những địa phương sản xuất đào hàng đầu ở Nhật Bản. Fukushima đặc biệt nổi tiếng với giống đào trắng Akatsuki. Mặc dù vẫn còn khá mọng nước nhưng thịt quả có hàm lượng nước thấp hơn và kết cấu chắc hơn. Điều này không làm mất đi sự ngọt ngào.

Trên thực tế, Fukushima được biết đến là nơi sản xuất ra loại đào ngọt nhất thế giới tại nông trại trái cây Furuyama. Độ ngọt của đào ở đây lên tới 32/40 trên thang đo độ ngọt Brix và thường quả đào trung bình chỉ khoảng 12. Người nông dân trồng những quả đào này hy vọng một ngày nào đó sẽ trồng được một quả đào đạt 40/40 trên thang Brix.

Đào vàng Ougon

Mặc dù Nhật Bản được biết đến nhiều nhất với đào trắng, nhưng có một loại đào hiếm hoi của Nhật Bản được gọi là đào vàng, hay Ougon, là “hậu duệ” của một loại đào trắng mặc dù thịt quả có màu sắc. Vỏ đào mịn màng với một màu vàng và thịt vàng bên dưới, mềm tan trong miệng khi chín. Chúng được trồng ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng phiên bản “Kira Kira” được trồng ở Nagano được cho là ngon nhất và hiếm nhất. Loại đào đặc biệt này chỉ chiếm 1% số đào được trồng ở Nhật Bản.

Cách ăn đào Nhật Bản

Mặc dù thưởng thức đào tươi là một trải nghiệm đáng giá, nhưng cũng có nhiều cách khác để thưởng thức chúng, ngay cả khi không phải là mùa đào. Một trong những cách tuyệt nhất là nhâm nhi một ít nước ép đào thơm ngon. Ngoài ra còn có nhiều kẹo, thạch, bánh ngọt, mứt và thậm chí cả rượu đào!

Một số công thức thú vị kết hợp đào mà bạn có thể áp dụng. Một gợi ý đó là cho đào cắt miếng vào với các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina cùng thịt muối và cho dầu ô liu lên trên để tạo thành món salad độc đáo và ngon miệng.

Hãy nhớ thưởng thức loại đào thơm ngon của Nhật nếu có dịp nhé. Chắc chắn bạn sẽ hiểu vì sao nhiều người lại yêu thích đào Nhật đến vậy.