Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tính đến cuối tháng 11, cả nước có 122.004 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, đạt hơn 135%, vượt kế hoạch của cả năm 2022. Như vậy, số lượng lao động ra nước ngoài làm việc đã vượt xa kế hoạch, là tiền đề quan trọng cho hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong năm 2023.
Thủ tục tinh gọn
Nhiều chuyên gia về lao động – việc làm cho rằng cơ hội đi XKLĐ đang rộng mở với người lao động (NLĐ) vừa mất việc hoặc có nguy cơ mất việc. So với những năm trước, ra nước ngoài làm việc chưa bao giờ dễ dàng, đơn giản như hiện nay. Thủ tục tinh gọn, chi phí hợp lý, nhiều công việc phù hợp, hình thức đi làm đa dạng, thu nhập cao là những yếu tố thu hút người đi XKLĐ.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), nhận định lĩnh vực XKLĐ sẽ bùng nổ trong năm 2023, bởi những tín hiệu khả quan từ các thị trường truyền thống đến những thị trường mới cao cấp hơn. Tại những thị trường truyền thống, yếu tố cộng đồng sẽ giúp thu hút NLĐ trong nước đi XKLĐ nhiều hơn. Chẳng hạn như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là những nơi có cộng đồng người Việt rất đông đang sinh sống và làm việc.
Theo ông Trung, mức thu nhập cao, đa dạng chương trình làm việc đang là thế mạnh của thị trường Hàn Quốc. Mỗi năm, nước này tiếp nhận khoảng 59.000 lao động nước ngoài đến làm việc theo chương trình EPS. Bên cạnh đó, hằng năm, chính phủ Hàn Quốc cũng cho phép 89 địa phương trên toàn quốc tuyển hàng chục ngàn lao động thời vụ nước ngoài đến làm việc tối đa 5 tháng. Ngoài các ngành nông nghiệp, Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng những công việc ngành ngư nghiệp cho lao động thời vụ trong năm 2023 như: nuôi trồng tảo biển, sản xuất bào ngư, chế biến hàu biển…
“Chương trình làm việc thời vụ rất phù hợp với lao động nữ lớn tuổi bởi thời gian đi ngắn, chi phí rất thấp, yêu cầu tuyển dụng đơn giản. Lao động nữ lớn tuổi mất việc trong nước nên tìm hiểu chương trình này, mỗi năm đi 2 lần, có thể đi nhiều lần trong nhiều năm. Nếu làm tốt, thu nhập cho lần 3 tháng hoặc 5 tháng chắc chắn cao hơn cả năm làm công nhân ở Việt Nam” – ông Trung nói.
Tại Nhật Bản – thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong những năm qua, chính phủ nước này đang xem xét để miễn thuế, tăng phụ cấp cho thực tập sinh, NLĐ Việt Nam. Đồng thời, lên phương án tổ chức các kỳ thi lao động kỹ năng đặc định trong năm 2023 để tạo điều kiện cho thực tập sinh đã về nước quay lại làm việc. Nước này cũng đang hoàn thiện bước cuối cùng cho cổng thông tin việc làm Nhật Bản để NLĐ Việt Nam có thể trực tiếp tìm kiếm cơ hội việc làm tại đất nước mặt trời mọc.
Nhiều thị trường tiềm năng
Ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho NLĐ có tay nghề cũng hứa hẹn bùng nổ trong năm tới khi nhiều nước đưa ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài.
Ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á, cho biết nhiều nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Đơn cử như Đức, cuối tháng 11 vừa qua, chính phủ nước này đã quyết định “những điểm chính” về cải cách việc nhập cư lao động có tay nghề. Theo đó, việc học tập hoặc đào tạo nghề của người nước ngoài tại Đức sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây chính là cơ hội tốt cho NLĐ Việt Nam với các ngành như: điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng – khách sạn, cơ khí ôtô, chế biến thực phẩm…
“Việc nối lại các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Đức là thuận lợi đầu tiên cho NLĐ Việt Nam có dự định sang Đức học tập và làm việc. Các hình thức đến Đức làm việc cũng đa dạng hơn. Theo tôi, 2023 sẽ là năm bùng nổ NLĐ Việt Nam sang châu Âu làm việc, trong đó có nước Đức” – ông Du khẳng định. Ngoài Đức, các nước châu Âu như: Đan Mạch, Phần Lan, Romania, Bulgaria, Hungary, Ý… cũng đang tìm mọi cách để thu hút và tuyển dụng lao động Việt Nam. Nhiều nước ưu tiên tuyển lao động Việt Nam bởi đã được nhiều thị trường chấp nhận. Mới đây, vì đang thiếu lao động – nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, Phần Lan tập trung thu hút lao động đến từ Việt Nam cho những vị trí công việc này.
Các thị trường tiềm năng khác ngoài châu Âu cũng sẽ là tâm điểm chú ý của NLĐ có tay nghề trong năm 2023. Đó là Úc, New Zealand và Canada, 3 nước phát triển này đang chạy đua trong nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực đang tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Năm ngoái, chính phủ Úc đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam là một trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này. Sau 1 năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kể từ năm 2023, NLĐ Việt Nam có thể đến Úc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Bộ Di trú Canada cũng vừa công bố kế hoạch nhập cư giai đoạn 2023 – 2025. Trước mắt, Canada đặt mục tiêu chào đón 465.000 lao động nhập cư vào năm sau, con số này sẽ tăng lên 485.000 người vào năm 2024 và 500.000 người vào năm 2025. Đây là một phần trong kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng và ứng phó xu hướng già hóa dân số, đồng thời thu hút người nhập cư đến các vùng nông thôn ở Canada.