Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, trong năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch. Trước đó, mục tiêu đặt ra với hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của năm 2022 là 90.000 lao động.
Hơn 142.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng là con số cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Trước đó, năm 2019 đã ghi nhận mức 147.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, con số này năm 2020 đã giảm xuống còn hơn 78.000 người và năm 2021 là hơn 45.000 người.
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022 đã dần phục hồi trong 6 tháng cuối năm, tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động thu hút nhiều lao động Việt Nam nhất năm 2022 với 67.295 người, tiếp đó là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 58.598 lao động, Hàn Quốc 9.968 lao động, Singapore 1.822 lao động, Trung Quốc 910 lao động, Romania 721 lao động, Hungary 775 lao động, Nga 467 lao động, Ba Lan 494 lao động và các thị trường khác.
Số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến hết quý 4/2022 là 456 doanh nghiệp; trong đó có 15 doanh nghiệp Nhà nước, còn lại là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động; các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống; đàm phán mở rộng thêm các thị trường thu nhập cao, việc làm tốt cho người lao động.
Trong năm 2022, Việt Nam đã ký bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước khu vực châu Âu như Đức, Romania, Czech, Bulgaria…
Với các quốc gia khác nhau thì bản thỏa thuận hợp tác sẽ khác nhau. Có quốc gia, 2 bên sẽ ký hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng có quốc gia bản hợp tác chỉ ký 1 đến 2 lĩnh vực như Đức về điều dưỡng viên và ngành có tính chất công nghệ cao như ô tô.
Trong thời gian tới, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ theo hướng có chọn lọc hơn. Bộ LĐTB&XH sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động.
Dự kiến, mục tiêu xuất khẩu lao động năm 2023 là đưa khoảng 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Nguồn: Baochinhphu